Kiểm Soát Quản Trị
Bất kể là quản trị công ty hay quản trị quốc gia, một khi có sự tách bạch giữa "quyền sở hữu" và "quyền quản lý" (nắm sở hữu nhưng không quản lý và/hoặc nắm quản lý nhưng không sở hữu) thì nhất định phải áp dụng "governance" (cơ chế kiểm soát quản lý). Vì nếu không áp dụng cơ chế kiểm soát quản lý thì chắc chắn sẽ dễ dẫn đến sự "lạm quyền", "lộng quyền", "chuyên quyền" và "trục lợi" của người quản lý Ngạn ngữ có câu: "Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, phải đi cùng người khác".
Để có thể "đi cùng người khác" - một điều kiện tất yếu để phát triển lớn mạnh và trường tồn - doanh nghiệp nhất thiết sẽ phải chuyển từ "quản trị theo cảm tính" sang "quản trị theo khoa học", chuyển từ thể chế "gia đình trị" sang "cơ chế trị". Và một trong những con đường tối ưu cho việc chuyển đổi này là nghiên cứu và áp dụng "Corporate Governance" / CG (Cơ chế Kiểm soát Quản trị Công ty).Vậy, "CG" là gì? Về cơ bản, CG là một hệ thống các cơ chế và chính sách để giúp "ông chủ" (những người nắm quyền sở hữu) có thể kiểm soát được quyền lực, năng lực và nỗ lực của những người quản lý nhằm tránh sự lạm quyền, chây lười hay tư lợi của họ Khi nào thì doanh nghiệp được xem là có CG tốt? Doanh nghiệp được xem là thực hành CG tốt khi tất cả những người nắm quyền quản lý then chốt trong doanh nghiệp đều "làm hết mình" và "không làm bậy".Thực tế ta có thể thấy rằng, một doanh nhân làm ăn hoàn toàn bằng tiền vốn của mình và không vay mượn ai cả thì cũng tốt, nhưng không có gì đáng để tự hào. Nhưng một doanh nhân kinh doanh tử tế chủ yếu bằng tiền của thiên hạ (kêu gọi đầu tư hoặc đi vay) mà vẫn thành công thì quả là rất đáng khâm phục.
Những doanh nghiệp chủ yếu làm ăn bằng tiền túi của mình và chỉ bổ nhiệm người của gia đình vào các vị trí then chốt thì việc đưa doanh nghiệp đó vươn tới tầm cao và phát triển bền vững thường sẽ rất khó khăn. Vì vậy, muốn phát triển lớn mạnh và trường tồn, doanh nghiệp phải sử dụng cả "tiền của thiên hạ" và bổ nhiệm cả "người ngoài". Tuy nhiên, khi "thiên hạ" (những người mà có thể chưa yên tâm về mình) dám đưa tiền cho mình làm ăn và khi mình dám đưa cả "người ngoài" (những người mà có thể mình cũng chưa yên tâm) vào nắm các vị trí then chốt trong công ty thì nhất thiết doanh nghiệp phải được quản trị chuyên nghiệp, quản trị theo khoa học, chứ không thể quản trị theo cảm tính hay theo lòng tin được.